【Gặp bác sỹ ngay】Khi mọc răng khôn hàm trên kèm theo biểu hiện sau

Share:
Nhiều người nghĩ rằng con người chỉ có 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Nhưng thực chất hàm răng của con người chính xác có 32 chiếc răng, mỗi hàm 16 chiếc, trong đó 28 răng được mọc sớm còn 4 mầm răng hàm số 8 có thể mọc lên ở tuổi 17- 25, nên còn được gọi là răng khôn.
Răng số 8 hay răng khôn được tính từ răng cửa số 1 hàm trên, hoặc hàm dưới sang 2 phía trong của hàm. Ở những người có hàm rộng, khi mầm răng hàm số 8 phát triển, mọc lên sẽ còn đủ chỗ mọc và mầm răng ở đúng vị trí thì việc mọc răng sẽ thuận lợi, không khác gì mọc các răng bình thường. Tuy nhiên, hàm của đa số người chỉ đủ chỗ cho 28 răng, 14 răng hàm trên và 14 răng hàm dưới. Chính vì vậy, khi răng số 8 mọc lên sau sẽ không còn đủ chỗ để mọc một cách bình thường nên những chiếc răng khôn thường "tự tìm đường khác” để chui ra ngoài gây mọc ngược về phía xương, hoặc đâm thẳng về phía chiếc răng hàm đứng kế bên.

Trường hợp răng hàm số 7 bên cạnh mọc sai lệch cũng làm ảnh hưởng đến mầm răng số 8 làm răng này mọc lệch không đúng vị trí gây răng lệch lạc, có thể đau, sưng cả một bên mặt do chèn ép thần kinh. Trong một số trường hợp bản thân mầm răng số 8 nằm không đúng vị trí như nằm ngang, nằm chếch, khi mọc lên có thể đâm vào răng số 7 hoặc răng số 6.
Tác hại của việc răng số 8 mọc lệch:
- Răng số 8 đâm vào răng khác, đặc biệt là răng số 7 gây đau, sưng, xô cả hàm răng, viêm nhiễm phát sinh, người bệnh sưng bên mặt mọc răng, không ăn uống gì được gây đau nhức, mất ngủ, suy nhược.
- Răng số 8 mọc lệch hướng ra mặt trong má, gây cộm, khó chịu, tiếp xúc cọ sát gây tổn thương niêm mạc làm viêm nhiễm, có thể chảy máu khi va chạm mạnh vào bên má đó.
- Răng số 8 mọc trong cùng nên rất khó vệ sinh, nếu mọc lệch thì càng khó hơn, dẫn đến nguy cơ sâu răng, viêm lợi.
- Khi viêm nhiễm vùng xung quanh răng số 8 lan rộng có thể ảnh hưởng sang các bộ phận khác như tai, mũi, họng, các xoang hàm xung quanh dẫn đến biến chứng nặng.
Xử trí: Khi răng số 8 mọc lệch, đâm vào cổ răng số 7 gây đau đớn nhiều thì phải xử lý, cụ thể theo tình trạng bệnh nhân, có thể rạch lợi, khoan phá răng số 8 để loại bỏ răng số 8 hoặc khi răng số 7 có dấu hiệu viêm nhiễm nặng thì xem xét diệt tủy và nhổ bỏ răng số 7 để lấy chỗ mọc răng số 8. Mọi can thiệp phẫu thuật nhổ bỏ cần thực hiện khi đã xử lý xong quá trình viêm nhiễm, tuyệt đối không nhổ răng khi đang viêm nhiễm để tránh biến chứng nhiễm khuẩn huyết. Nếu phát hiện tình trạng viêm nhiễm cần điều trị kháng sinh và thuốc sát khuẩn răng miệng tại chỗ, đợi khi ổn định mới can thiệp.
Khi răng số 8 bắt đầu nhú mọc lên, bệnh nhân thấy đau cần đi chụp phim răng để bác sĩ xác định vị trí mầm răng 8, nếu thấy bất thường cần xem xét tình trạng bệnh nhân và quyết định có rạch lợi, nhổ bỏ răng 8 hay không. Quan điểm hiện nay là lựa chọn điều trị bảo tồn là chính vì khi giữ lại răng khôn sẽ có nhiều lợi ích:
- Giúp có bộ răng khỏe, thực hiện đầy đủ các chức năng.
- Giúp phục hình răng trong trường hợp mất răng số 7 và nếu răng khôn mọc thẳng, chiếc răng này có thể được dùng làm trụ cho một phục hình cầu răng.
- Không phải chịu một cuộc phẫu thuật nên không bị các tai biến có thể xảy ra như: viêm ổ răng khôn, nhiễm trùng hậu phẫu, tổn thương thần kinh, sưng mặt.
- Nhiều trường hợp răng số 8 nhú mọc gây đau đớn nhưng một thời gian lại ngừng, không mọc tiếp và không còn đau nữa, trường hợp này nếu không viêm nhiễm thì xem xét không nhổ bỏ răng mà bảo tồn.
Khi có vấn đề với răng số 8, không nên đến các phòng khám răng tư nhân để nhổ vì nguy cơ xảy ra tai biến rất cao, có trường hợp tử vong do nhổ răng số 8. Vì vậy, cần đến bệnh viện chuyên khoa răng hàm mặt để nhận được sự tư vấn của các bác sĩ.

Không có nhận xét nào